Lối chơi Final Fantasy IX

Biểu tượng dấu chấm than báo hiệu những vật thể mà nhân vật có thể tương tác, trong hình minh họa là buồng vé.

Trong Final Fantasy IX, người chơi điều khiển nhân vật di chuyển trong toàn bộ thế giới trò chơi, khám phá các khu vực và tương tác với nhân vật không phải người chơi (NPC). Phần lớn trò chơi diễn ra trên "màn hình trường" bao gồm các hình nền được kết xuất trước đại diện cho thị trấn và dungeon. Để giúp người chơi tương tác tốt hơn, Final Fantasy IX đã giới thiệu "biểu tượng" dấu chấm than xuất hiện trên đầu nhân vật, báo hiệu một vật phẩm hoặc dấu hiệu nào ở gần đó.[3] Người chơi có thể nói chuyện với moogles để lưu game, phục hồi sức khỏe nhân vật bằng lều và một số ít có thể mua bán vật phẩm.[4] Đó là sự thay đổi so với các phần trước vốn chỉ có thể lưu game bằng cách sử dụng điểm lưu xuất hiện rải rác ở thị trấn, dungeon. Người chơi có thể gọi moogle từ bản đồ thế giới bằng món đồ gọi là sáo Moogle.[5] Moogle có thể yêu cầu nhân vật người chơi (PC) gửi thư cho các Moogle khác thông qua Mognet. PC cũng có thể nhận thư từ các nhân vật khác.

Trên bản đồ thế giới, người chơi được biểu thị dưới dạng nhân vật 3D với góc camera nhìn từ trên xuống. Người chơi có thể tự do di chuyển trên màn hình bản đồ thế giới trừ khi bị giới hạn bởi địa hình như các vùng nước hoặc dãy núi. Người chơi có thể cưỡi chocobo, lái thuyền hoặc đi tàu bay để khắc phục khó khăn trong di chuyển. Giống như các phần trước, việc di chuyển trên màn hình bản đồ thế giới và các vị trí trên màn hình trường thường bị gián đoạn bởi các cuộc chạm trán ngẫu nhiên với kẻ thù.[6]

Final Fantasy IX đưa vào một phương thức mới để khám phá thị trấn thông qua hệ thống Active Time Events (ATE). Điều này cho phép người chơi theo dõi các sự kiện diễn ra tại các địa điểm khác nhau, diễn biến tâm lý nhân vật, tiết lộ vật phẩm đặc biệt và lời nhắc cho những quyết định quan trọng. ATE đôi khi được sử dụng để điều khiển hai đội cùng một lúc khi nhóm được chia ra để giải câu đố hoặc tìm đường ra mê cung.

Chiến đấu

Bất cứ khi nào nhân vật người chơi đụng độ kẻ thù, bản đồ sẽ chuyển sang "màn hình chiến đấu". Trên màn hình chiến đấu, kẻ thù xuất hiện ở phía đối diện với nhân vật. Mỗi trận chiến sử dụng hệ thống Active Time Battle quen thuộc xuất hiện lần đầu trong Final Fantasy IV.[6] Danh sách lệnh của nhân vật được trình bày trong cửa sổ đối diện với thanh ATB. Nhân vật có thể tấn công vật lý kẻ thù hoặc sử dụng món đồ từ túi đồ của người chơi, ngoài ra họ còn sở hữu các năng lực đặc biệt. Ví dụ, đạo chích Zidane có thể đánh cắp vật phẩm từ kẻ thù, EikoGarnet có thể triệu hồi "eidolon"[q 2] để hỗ trợ cả nhóm và Vivi có thể sử dụng phép thuật để gây sát thương lên phe địch.

Các lệnh dành riêng cho nhân vật thay đổi khi người chơi chuyển sang "Chế độ Trance". Trạng thái này kích hoạt trong một thời gian ngắn khi thanh đo nộ được lấp đầy nếu nhân vật chịu đủ lượng sát thương. Cơ chế này giống như "Limit Break"[q 3] sử dụng trong Final Fantasy VII. Khi thanh nộ đầy, sức mạnh của nhân vật được tăng lên và người chơi có thể chọn lệnh tấn công đặc biệt.[7] Ví dụ, lệnh "Skill" của Zidane thay đổi thành "Dyne", cho phép cậu thực hiện các đòn tấn công mạnh mẽ. Lệnh "Black Magic" của Vivi phát triển thành "Double Blk" khiến cậu có thể niệm chú hai lần cùng lúc. Người chơi có thể thay đổi phong cách chiến đấu từ bình thường thành tùy chỉnh thông qua màn hình Cấu hình cho phép hai người chơi điều khiển mọi tổ hợp nhân vật trong trận chiến. Tuy nhiên, hai bộ điều khiển phải được cắm vào PlayStation.[7]

Trong trận đấu quái trùm đầu tiên, Steiner tấn công kẻ thù trong khi Zidane đợi lệnh của người chơi.

Các chỉ số như tốc độ, sức mạnh và sát thương phép quyết định hiệu suất của một nhân vật trong trận chiến. Chỉ số nhân vật tăng lên khi tích lũy đủ kinh nghiệm và lên cấp. Khi người chơi thắng trận, nhân vật của họ sẽ được thưởng "điểm kinh nghiệm". Nhân vật khi tích đủ điểm kinh nghiệm sẽ lên cấp. Khi họ "lên cấp", chỉ số của họ sẽ tăng vĩnh viễn. Sức mạnh của nhân vật còn tăng lên phụ thuộc vào trang bị mà họ mặc. Mỗi lần thắng trận, người chơi cũng được thưởng tiền (Gil), thẻ Tetra Master, món đồ và điểm năng lực (AP).

Năng lực và trang bị

Final Fantasy IX xa rời khỏi phong cách nhân vật có thể tùy chỉnh trong hai game trước bằng cách làm sống lại khái niệm nghề nhân vật. Mỗi nhân vật sẽ đóng một vai trò nhất định trong trận chiến. Ví dụ, Vivi được chỉ định là pháp sư đen và là nhân vật duy nhất có thể sử dụng ma thuật đen. Steiner là hiệp sĩ và là nhân vật duy nhất có thể sử dụng kiếm kĩ.[7]

Chức năng cơ bản của trang bị trong các trò chơi Final Fantasy là tăng thuộc tính nhân vật. Chẳng hạn, việc Zidane trang bị vest Mythril[q 4] sẽ giúp cậu tăng chỉ số phòng thủ. Trong Final Fantasy IX, vũ khí và áo giáp có chứa năng lực đặc biệt mà nhân vật có thể sử dụng khi họ trang bị (tuy nhiên năng lực đó chỉ tương thích với lớp nhân vật nhất định). Một khi nhân vật tích lũy đủ điểm năng lực trong trận chiến, năng lực đó có thể sử dụng mà không cần phải mặc trang bị. Ngoài cung cấp năng lực, trang bị trong Final Fantasy IX còn quyết định gia tăng chỉ số tại thời điểm nhân vật lên cấp. Giáp không chỉ tăng chỉ số phòng thủ hoặc né tránh mà còn tăng chỉ số khác khi lên cấp.[8]

Năng lực được phân loại thành hành động và hỗ trợ. Năng lực hành động tiêu tốn điểm ma thuật (MP) là thần chú và chiêu thức đặc biệt sử dụng trong trận chiến. Năng lực hỗ trợ có hiệu lực vô thời hạn và tiêu tốn đá ma thuật để có thể kích hoạt. Số lượng tối đa của những viên đá này tăng lên khi các nhân vật thăng cấp.[7]

Tetra Master

Tetra Master là một minigame thẻ bài mà người chơi có thể khởi động với NPC. Người chơi chọn một bộ gồm năm lá bài mà họ thu thập được thông qua rương, quà tặng hoặc phần thưởng từ việc đánh bại quái vật. Mỗi thẻ có các mũi tên khác nhau chỉ vào bốn cạnh và bốn góc của thẻ. Chỉ số của mỗi thẻ là khác nhau và thẻ nào hiếm hơn sẽ có chỉ số cao hơn. Người chơi thay phiên nhau để đặt thẻ một cách có tính toán trên bàn 4x4 dựa trên những hướng có thể đặt được. Tranh chấp có thể xảy ra khi người chơi đặt một thẻ bên cạnh một thẻ khác, tùy thuộc vào nơi người chơi đặt nó. Nếu thẻ phòng thủ không có mũi tên trong khi thẻ tấn công có mũi tên hướng về phía nó, thẻ đó sẽ bị người chơi chiếm quyền kiểm soát. Khi mũi tên của thẻ người chơi và đối thủ gặp nhau, hai thẻ sẽ chiến đấu dựa trên giá trị điểm của chúng, thẻ thua sẽ bị người chiến thắng kiểm soát. Trong một số trường hợp thì combo chiếm quyền kiểm soát nhiều thẻ có thể được kích hoạt. Sau khi sử dụng hết thẻ, người chiến thắng là người chiếm được nhiều thẻ nhất, một trận hòa xảy ra hai bên có cùng số lượng thẻ. Người chiến thắng có thể chọn một lá bài từ bộ bài của đối thủ trong số những tấm mà họ kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu người chơi giành được thắng lợi tuyệt đối thì họ sẽ lấy hết năm thẻ từ bộ bài của đối thủ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Final Fantasy IX http://www.gamesindustry.biz/articles/focus-on-fin... http://www.edge-online.com/features/japan-votes-al... http://www.ffworld.com/?page=article&id=35 http://www.gamefaqs.com/ps/197338-final-fantasy-ix... http://www.gamespot.com/articles/dragon-quest-vii-... http://www.gamespot.com/articles/final-fantasy-25t... http://www.gamespot.com/reviews/final-fantasy-ix-r... http://archive.gamespy.com/articles/june03/dumbest... http://psx.ign.com/news/25276.html http://www.ign.com/articles/2000/04/01/tgs-final-f...